Xử 2 cựu bộ trưởng liên quan Việt Á: Hơn 70 luật sư tham gia bào chữa

02/01/2024 19:05 GMT+7

Vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số địa phương được đánh giá là điển hình về 'tham nhũng có hệ thống'. Có hơn 70 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Sáng mai 3.1, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số địa phương. Đây là đại án đầu tiên được đưa ra xét xử trong năm 2024.

Xử 2 cựu bộ trưởng liên quan Việt Á: Hơn 70 luật sư tham gia bào chữa- Ảnh 1.

3 bị cáo từ trái qua: Chu Ngọc Anh, Phan Quốc Việt, Nguyễn Thanh Long

T.N

Hơn 70 luật sư bào chữa

Theo quyết định xét xử, phiên tòa dự kiến kéo dài trong 20 ngày, gồm cả ngày nghỉ. Hội đồng xét xử gồm 5 thành viên, với 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Trần Nam Hà làm chủ tọa. 5 kiểm sát viên được phân công đại diện Viện KSND TP.Hà Nội giữ quyền kiểm sát xét xử, gồm 1 kiểm sát viên cao cấp và 4 kiểm sát viên trung cấp.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bạc tóc hầu tòa đại án Việt Á

38 bị cáo bị truy tố về 6 tội danh khác nhau. Trong đó, 2 người bị truy tố cùng lúc 2 tội danh đưa hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc), Vũ Đình Hiệp (Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á).

6 người bị truy tố tội nhận hối lộ, gồm: Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Nguyễn Thanh Long), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế), Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương).

3 người bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó thủ tướng), Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương), Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương).

2 người bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm: Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN).

2 người bị truy tố tội đưa hối lộ, gồm: Phan Tôn Noel Thảo (Trợ lý Khối tài chính Công ty Việt Á), Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á).

Phan Quốc Việt tiếp tục hầu tòa cùng 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh

21 người bị truy tố tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm các bị cáo là nhân viên Công ty Việt Á và cán bộ y tế của một số địa phương.

2 người còn lại bị truy tố tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, gồm: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings).

Vẫn theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, có hơn 70 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, các ông Nguyễn Thanh Long và Phan Quốc Việt mỗi người có 4 luật sư bào chữa, ông Chu Ngọc Anh có 1 luật sư bào chữa, ông Nguyễn Văn Trịnh và Phạm Xuân Thăng mỗi người có 2 luật sư bào chữa…

Xử 2 cựu bộ trưởng liên quan Việt Á: Hơn 70 luật sư tham gia bào chữa- Ảnh 2.

Vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số địa phương được đánh giá là điển hình về "tham nhũng có hệ thống"

T.N

Điển hình về "tham nhũng có hệ thống"

Vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số địa phương được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo).

Theo đánh giá của Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên, đây là vụ án điển hình về "tham nhũng có hệ thống". Vụ án điển hình tới mức xảy ra từ cơ quan bộ, ngành T.Ư cho tới địa phương, tới cấp cơ sở do diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

"Lực lượng cán bộ y tế nói chung và trung tâm kiểm soát bệnh tật nói riêng có đóng góp quan trọng, song cũng đã để xảy ra chuyện tham nhũng, tiêu cực chưa từng có", ông Yên cho hay.

Xem nhanh 12h ngày 3.1: Cựu bộ trưởng bạc tóc hầu tòa vụ Việt Á | Vì sao chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bắt?

Cũng vì số lượng cán bộ vi phạm là rất lớn, Ban Chỉ đạo đã có chủ trương phân loại xử lý đối tượng. Trong đó, nhóm bị nghiêm trị bao gồm những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định; người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, tích cực thực hành, vì động cơ vụ lợi, chiếm hưởng số lớn.

Nhóm được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự là những đối tượng có vai trò thứ yếu, phụ thuộc, thực hiện theo mệnh lệnh, đặc biệt là không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi, hoặc là những người ở tuyến đầu chống dịch, vi phạm trong bối cảnh cần kit xét nghiệm ngay, làm vì việc chung…

Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, sau khi được cấp phép lưu hành, Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá rồi bán cho các cơ sở y tế trên khắp cả nước, từ đó thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng. Tính riêng phần tài sản nhà nước, số tiền thiệt hại là hơn 402 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, ngoài Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trực tiếp thụ lý, cơ quan tố tụng tại 61 tỉnh, thành phố được ủy thác để xác minh, làm rõ những khuất tất trong quá trình mua bán kit test Việt Á tại các cơ sở y tế công lập.

Đến nay, công an 15 tỉnh, thành phố đã khởi tố 17 vụ án về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 2 tỉnh khởi tố về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Mới đây nhất, cuối tháng 12.2023, Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội xét xử 7 bị cáo do có sai phạm trong việc chuyển giao đề tài kit test Việt Á. 3 bị cáo Phan Quốc Việt, Trịnh Thanh Hùng và Vũ Đình Hiệp lần lượt bị tuyên 25 năm, 15 năm và 6 năm tù. Ngoài ra, 4 bị cáo là các cựu sĩ quan thuộc Học viện Quân y cũng lãnh án tù.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.