Y tế thông minh: Nhiều kỳ vọng nhưng thiếu nhân lực, cơ chế

Duy Tính
Duy Tính
25/10/2022 17:24 GMT+7

Sáng 25.10, Ban VH-XH HĐND TP.HCM khảo sát đề án y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030 tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trước đó, liên quan đến chủ đề y tế thông minh, Ban VH-XH HĐND TP.HCM cũng đã khảo sát tại Bệnh viện Hùng Vương và dự kiến trong ngày 27.10, sẽ khảo sát tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Y tế thông minh giải quyết được quá tải bệnh nhân

TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, theo kế hoạch, bệnh viện có 1.500 giường nhưng hiện tại phải "kê" đến 1.700 giường (cao điểm năm 2019 là 2.200 ca). Về ngoại trú, khám trung bình 5.500 ca/ngày, có ngày cao điểm 8.200 bệnh nhân vào năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh nhân nặng được chăm sóc cấp 1 trở lên (cần hỗ trợ hô hấp) là gần 30% (mọi năm 25 - 6%). Tuy vậy, tỷ lệ tử vong bệnh nặng được kéo giảm 2 lần.

Bệnh nhân đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào sáng 25.10

DUY TÍNH

Trước thực trạng quá tải bệnh nhân, nhằm giảm áp lực hành chính cho nhân viên y tế, nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chuyển đổi từ thủ công sang quản lý khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin (CN-TT). Điều này giúp bệnh nhân và nhân viên y tế rất nhiều.

Về ngoại trú, từ 10 năm qua, bệnh viện số hóa để giảm thời gian chờ của bệnh nhân; số hóa các chứng từ; tự động hóa lấy số thứ tự đăng ký khám, thực hiện xét nghiệm, tra cứu giá; thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện; ứng dụng CN-TT trong sử dụng thuốc, kê đơn, nâng cao hiệu quả kê đơn, giúp bác sĩ hạn chế tối đa sai sót.

Về nội trú, bệnh viện dụng CN-TT trong khu vực nội trú như số hóa tờ điều trị tiến tới bệnh án điện tử. Ứng dụng CN-TT trong thực hiện bản kiểm bảng kiểm an toàn phẫu thuật.

Trong bối cảnh quá tải bệnh nhân, bệnh viện xây dựng phần mềm quản lý giường bệnh, máy thở để điều chuyển bệnh nhân; Phần mềm duyệt thuốc online; Phần mềm giám sát sử dụng kháng sinh; Phần mềm quản lý bệnh viện, cấp phát thuốc tại khoa dược; Phần mềm giám sát kho thuốc thông minh.

Hiện giờ bệnh viện đã thí điểm bệnh án điện tử ở 4 khoa. Chuẩn bị trang bị chữ ký cho các bác sĩ để tiến tới bệnh án điện tử theo lộ trình.

Xây dựng phần mềm đấu thầu thông minh

“Lâu nay, các bệnh viện mất thời gian nhất là đấu thầu. Một trong những công tác nặng nề nhất của đấu thầu là công tác hành chính, chấm thầu, giấy tờ. Do đó, 5 năm nay bệnh viện đã xây dựng phần mềm đấu thầu thông minh. Chúng tôi số hóa toàn bộ các công đoạn đấu thầu, sử dụng dữ liệu “big data” trong nhiều năm của bệnh viện để máy đánh giá hồ sơ mời thầu. Đây là chương trình rất hiệu quả trong công tác đấu thầu của bệnh viện. Bệnh viện cũng đã triển khai hệ thống bảo mật rất kỹ”, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh nói.

Về phần cứng của CN-TT, bệnh viện đã đầu tư từ năm 2008, nay đã được TP.HCM đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu hiện đại gần 40 tỉ đồng. PGS-TS Ngô Ngọc Quang Minh cho rằng, với trung tâm này, bệnh viện triển khai đề án y tế thông minh với tất cả hoạt động của bệnh viện thông minh một cách đồng bộ, hiệu quả.

Hiện tại chỉ 15% bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến; 10% khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt

DUY TÍNH

Khi được các đại biểu hỏi về y tế thông minh thì các phần mềm của bệnh viện có chia sẻ thông tin với các bệnh viện khác được không, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, hiện chỉ phát triển gói gọn trong bệnh viện, còn chia sẻ thông tin là quá tầm. Mấy năm trước Bộ Y tế có yêu cầu liên thông kết quả xét nghiệm nhưng chỉ có liên thông trên giấy (bệnh nhân cầm giấy xét nghiệm đến).

Tại cuộc giám sát, TS-BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM đặt vấn đề về kết nối thông tin giữa các bệnh viện được không ? Theo ông, hiện là bất khả thi. Do đó, Sở Y tế phải tạo ra các nền tảng để cho phép được kết nối. Nhưng bao nhiêu năm có kết quả?

Thiếu nguồn lực CN-TT chất lượng cao

Về nhân lực CN-TT, Bệnh viện Nhi đồng 1 có 12 người là “cây nhà lá vườn” nhưng viết được hết các ứng dụng trong bệnh viện và quản lý hệ thống máy tính lớn. "Nhưng làm sao giữ họ, vì cơ chế tiền lương của bệnh viện sẽ không bằng bên ngoài ?", lãnh đạo BV Nhi đồng 1 đặt vấn đề.

Trung tâm dữ liệu của Bệnh viện Nhi đồng 1

DUY TÍNH

"Khó nhất vẫn là cơ chế làm sao có đội ngũ CN-TT cứng để vào làm BV. Sinh viên CN-TT ra trường năm đầu tiên thực tập thì lương đã 500 USD/tháng, nếu có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên thì từ 1.500 - 2.000 USD/tháng. Còn ở bệnh viện thì vẫn lãnh lương theo cơ chế. Vì vậy để tìm 1 lực lượng CN-TT tốt để làm là khó. Nên bệnh viện chỉ xây dựng đội ngũ cốt lõi, sau đó xây dựng chính sách, công cụ để phát triển, chứ không phải thuê mướn các doanh nghiệp chuyên về CN-TT", đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ.

Đại diện Sở Tài chính cho rằng, Bệnh viện Nhi đồng 1 là đơn vị sự nghiệp nên không thoát được quy định lương ngạch, bậc, chức vụ. Tuy nhiên bệnh viện vẫn còn khoảng thu nhập tăng thêm, cơ chế tự chủ, và nếu so sánh với lương bên ngoài thì không được. Thế nhưng, quyền tự chủ thì bệnh viện có thể chủ động khoản này.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 còn khó khăn trong vấn đề duy tu, bảo trì, mua sắm, nhất là máy tính, phần mềm. Thí dụ như hệ thống PACS (hệ thống lưu trữ và truyền thông tin hình ảnh ), bệnh viện triển khai gần 5 năm nay nhưng bị đứng lại vì không có cơ chế đấu thầu. Hiện giờ chỉ có giải pháp là các công ty hỗ trợ để triển khai thí điểm.

Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban VH-XH, HĐND TP.HCM, nếu như các bệnh viện nỗ lực thì đề án y tế y tế thông minh sẽ thành công và sớm đạt mục tiêu đề ra.

Cũng theo ông Bình, hướng đến làm sao ngành y tế có 1 trung tâm điều hành chung về y tế thông minh. Đặc biệt là để bệnh nhân thuận lợi trong khám, chữa bệnh, để bác sĩ không làm các công việc không tên mà tập trung vào chuyên môn, chuyên sâu y tế. "Làm sao dữ liệu của tất cả bệnh viện hiện nay tích hợp chung cho toàn TP.HCM, sẽ là lãng phí nếu như không có dữ liệu dùng chung, dĩ nhiên đòi hỏi quy chế, quy trình chặt chẽ', ông Bình nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.