Nỗi lo hàng hóa Asean + 1: Nguy cơ thua trên sân nhà

09/10/2012 03:20 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp lo ngại về nguy cơ mất thị trường nội địa khi thị trường chung Asean + 1 được thiết lập vào năm 2015. Đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu ớt vì phải chống chọi với lãi suất cao, chi phí đầu vào tăng mạnh...

>> Nỗi lo hàng hóa Asean + 1

Mất thị trường

Tiến sĩ Phạm Văn Chắt, chuyên gia về thương mại, cho rằng kể từ năm 2015, thị trường VN chịu hai sức ép lớn từ bên ngoài. Thứ nhất, đây là năm Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean hoàn toàn có hiệu lực và Asean trở thành một cộng đồng kinh tế chung, với thuế suất hàng hóa giảm xuống còn từ 0 - 5%. Thứ hai, 2015 cũng là năm VN chính thức gia nhập vào thị trường chung Asean + 1 (Asean + Trung Quốc). Những lĩnh vực nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất của VN là hàng nông sản, thực phẩm; rau quả; máy móc thiết bị và điện tử; đồ chơi trẻ em; may mặc. Trong đó, hàng hóa ồ ạt từ thị trường Trung Quốc (TQ) vào là đáng lo nhất khi VN có chung đường biên giới với nước này. Không chỉ hàng tiểu ngạch mà còn có cả hàng chính ngạch, với một mức giá rẻ hơn trước do thuế giảm.

Đồ gỗ VN đang chật vật trên sân nhà  
Đồ gỗ VN đang chật vật trên sân nhà - Ảnh: D.Đ.M

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA), lo lắng: Nếu không có chuẩn bị tốt từ bây giờ thì vào năm 2015, thị trường đồ gỗ nội địa sẽ mất hoàn toàn. Ông cho hay, năm ngoái VN nhập khẩu đồ gỗ chính ngạch của nước ngoài 208 triệu USD, nhưng nếu cộng với hàng tiểu ngạch thì con số sẽ cực lớn, chủ yếu từ TQ. “So với đồ gỗ nước ngoài, sản phẩm của VN không thua kém. Đồ gỗ TQ giá rẻ, nhưng sử dụng chất liệu ván dăm, trong khi đồ gỗ VN dùng gỗ tự nhiên. Còn đồ gỗ Thái Lan và Malaysia có giá cao hơn hàng VN, dù nguyên liệu tương đương”, ông Hạnh phân tích.

Tuy nhiên, ông Hạnh thừa nhận doanh nghiệp (DN) đồ gỗ trong nước đang tiếp cận thị trường nội địa một cách khó khăn do chưa hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng. “Thị trường đồ gỗ nội địa được đánh giá có kim ngạch hơn 2 tỉ USD/năm, so với xuất khẩu của cả năm ngoái hơn 3 tỉ USD. Thế nhưng, DN trong nước vẫn khai thác còn hạn chế. Các DN lớn chỉ chú trọng thị trường xuất khẩu, chỉ có DN nhỏ tiếp cận thị trường trong nước, đối chọi với hàng nhập”, ông Hạnh nói.

Theo ông, từ nay đến năm 2015 là quãng thời gian ngắn, mỗi DN phải có chiến lược bảo vệ thị trường của mình. Ông cũng mong muốn người tiêu dùng phải cảnh giác với hàng nhập giá rẻ. Chẳng hạn những sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu giá rẻ thường có hàm lượng formoldehyde rất cao trong keo (từng phát hiện trong vải xuất xứ từ TQ, một chất gây ung thư) và hàm lượng chì vượt mức cho phép trong sơn.

Đối mặt với khả năng phá sản

Những tháng đầu năm nay, sức tiêu thụ của ngành thép VN giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ đối diện với sức tiêu thụ thấp mà các DN ngành thép cũng phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu từ TQ. TGĐ một công ty thép cho biết, khu vực TP.HCM đang tràn ngập các sản phẩm thép TQ với giá bán thấp hơn từ 5 - 7% so với thép VN. Hiện ngành thép TQ mỗi năm sản xuất trên 700 triệu tấn, chiếm hơn 50% sản lượng thép toàn thế giới. TQ đang đẩy mạnh xuất khẩu thép và VN chắc chắn nằm trong tầm ngắm này.

Ông Đỗ Duy Thái - TGĐ Công ty Thép Việt - nhấn mạnh nếu không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, sau năm 2015 khi thuế nhập khẩu của các sản phẩm sắt thép từ TQ vào VN giảm xuống chỉ còn từ 0 - 5% (hiện nay thuế này còn từ 10 - 15%) thì các DN trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, tình trạng phá sản hàng loạt có thể diễn ra. Bài toán quan trọng nhất ở đây là phải đầu tư để gia tăng năng lực sản xuất, đầu tư công nghệ mới để từ đó mới giảm được giá thành. Chẳng hạn với công nghệ sản xuất cũ thì luyện ra một tấn thép phải mất gần 600 kW điện trong khi công nghệ mới nhất thì mức điện tiêu thụ này giảm còn 350 - 380 kW.

Theo ông Đỗ Duy Thái, công suất càng lớn sẽ càng giảm được giá thành. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng một nhà máy thép có quy mô 500.000 tấn trở lên hiện nay cũng phải mất từ 150 triệu - 200 triệu USD. Thời gian khấu hao cho nhà máy này cũng từ 7 - 10 năm. Lãi suất cho vay từ năm 2009 đến nay thì quá cao. Chỉ vay vốn lưu động ngắn hạn mà các DN đã “hết hơi” nói chi đến chuyện vay vốn đầu tư dài hạn.

Tương tự đối với ngành nhựa, đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại thị trường nội địa cũng là TQ và Thái Lan. Trong đó, các sản phẩm TQ luôn có giá thấp hơn sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước. Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN - nhận định lượng sản phẩm nhập khẩu từ TQ theo đường tiểu ngạch vào nước ta rất lớn. Bản thân các DN trong nước không thể chống đỡ được vì sản phẩm nhập khẩu đó có giá thành rất rẻ do không bị đóng nhiều loại thuế hay phí… “Sản phẩm nhựa nhập khẩu tiểu ngạch từ TQ đa phần do các tổ hợp, cơ sở nhỏ sản xuất nên chất lượng thấp nhưng giá rẻ vẫn thâm nhập được vào VN. Nếu có sự cạnh tranh công bằng về giá hay chất lượng thì DN trong nước không e ngại. Tuy nhiên với kiểu hàng nào cũng nhập về được như hiện nay thì DN bó tay”, ông Hồ Đức Lam nói.

Doanh nghiệp đang yếu ớt

Theo ông Cao Tiến Vị - TGĐ Công ty giấy Sài Gòn - DN trong nước sẽ phải đón làn sóng cạnh tranh lớn trong khi thể trạng hiện tại quá yếu ớt. Điển hình như chính Công ty giấy Sài Gòn trong gần 6 năm qua (từ 2007 - 2012), do chi phí đầu vào tăng quá nhanh trong khi công ty đầu tư mở rộng, lãi vay cao, nên nguồn vốn chủ sở hữu của Giấy Sài Gòn đã thâm hụt 100 tỉ đồng. Lãi suất cao kéo dài khiến Giấy Sài Gòn tăng chi phí vốn đầu tư 50 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu. Trong tình trạng như vậy, DN trong nước khó lòng đứng vững trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập sau năm 2015.

M.Phương - N.T.Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.