Bị tráo sổ đỏ khi rao bán nhà, người dân mỏi mòn chờ được cấp lại

Ngân Nga
Ngân Nga
23/01/2024 06:27 GMT+7

Bà N.N.L (74 tuổi, ngụ TP.HCM) rao bán nhà thì bị người mua đến xem rồi đánh tráo sổ đỏ, kể từ đó bà khổ sở nhiều năm chờ cơ quan có thẩm quyền cấp lại sổ mới.

Cảnh giác người đi mua nhà đánh tráo sổ đỏ

Bà L. phản ánh do tuổi cao nên năm 2019, bà có nhờ một người cháu đăng thông tin trên báo để rao bán căn nhà ở hẻm 493 Cách Mạng Tháng 8, P.13, Q.10. Khi có người đến hỏi thăm nhà để mua thì gia đình bà L. có cho họ xem giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ). Sau đó, bà L. mới biết một số người giả đi mua nhà đã lợi dụng lúc sơ hở để đánh tráo lấy sổ thật, đưa sổ giả cho bà. Rồi nhóm người này đã làm giả hồ sơ để đi công chứng về việc mua bán.

Lo sợ kẻ xấu dùng sổ đỏ thật của bà đem rao bán, thế chấp, cầm cố… cho người khác nên bà L. vội vã đến UBND Q.10 đề nghị cho tạm dừng mọi giao dịch đối với căn nhà và xin cấp lại GCN chủ quyền (sổ đỏ).

Bị tráo sổ đỏ khi rao bán nhà, người dân mỏi mòn chờ được cấp lại- Ảnh 1.

Căn nhà của bà N.N.L bị kẻ xấu tráo mất sổ đỏ

NVCC

Tháng 7.2019, UBND Q.10 có văn bản trả lời bà L. đã đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Q.10 xin ý kiến VPĐKĐĐ TP.HCM hướng dẫn thủ tục cấp đổi lại sổ đỏ đối với trường hợp bị đánh tráo. Từ đó có cơ sở áp dụng, thực hiện cho các trường hợp tương tự trên địa bàn. Cạnh đó, UBND Q.10 còn đề nghị Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng TP.HCM (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM) tạm ngưng giao dịch đối với căn nhà trên.

Ngoài ra, bà L. còn trình báo sự việc bị đánh tráo sổ đỏ và làm đơn cớ mất sổ đến công an. Tháng 10.2019, Công an Q.10 đã ra quyết định khởi tố vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Mòn mỏi chờ hướng dẫn

Tháng 11.2019, VPĐKĐĐ TP.HCM căn cứ vào điều 77 Nghị định số 43/2014 quy định về cấp lại GCN quyền sở hữu nhà ở, nêu cá nhân phải khai báo với UBND cấp xã nơi có đất về việc bị mất GCN; UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất GCN tại trụ sở... Tuy nhiên, vì Vì bà L. bị đánh tráo GCN chứ không phải là bị mất GCN nên chưa có cơ sở để cấp lại theo quy định nêu trên.

Do đó, Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.10 thông báo cho bà L. chưa có cơ sở để cấp lại GCN. Tuy nhiên cuối năm 2019, Công an Q.10 có thông báo về việc tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, trong đó nêu: "...đề nghị bà L. đến Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.10 để liên hệ xin cấp lại GCN đối với căn nhà theo đúng quy định".

Vì thế, năm 2020, Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.10 tiếp tục có văn bản gửi VPĐKĐĐ TP.HCM đề nghị hướng dẫn về nghiệp vụ, trình tự thủ tục; đồng thời cho biết đối với các trường hợp nêu trên, thẩm quyền giải quyết (cấp lại, cấp mất, ban hành quyết định hủy... nếu có) thuộc UBND Q.10 hay VPĐKĐĐ TP.HCM.

Cũng theo Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.10, các hộ dân thuộc trường hợp bị đánh tráo GCN trên địa bàn Q.10 liên tục gửi đơn cứu xét đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do chưa nhận được văn bản hướng dẫn của VPĐKĐĐ TP.HCM nên Chi nhánh VPĐKĐĐ Q.10 chưa thể trả lời, giải quyết dứt điểm hồ sơ và báo cáo UBND Q.10 về hướng giải quyết thống nhất đối với các dạng hồ sơ tương tự.

Đến tháng 8.2023, VPĐKĐĐ TP.HCM lại đề nghị bà L. chờ đợi hướng dẫn với lý do: "Hiện nay chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết việc cấp lại GCN do bị đánh tráo. Do đó, đề nghị bà L. chờ hướng dẫn của Sở TN-MT, khi nào có hướng dẫn, VPĐKĐĐ Q.10 sẽ giải quyết".

Sau 4 năm từ khi bị đánh tráo sổ đỏ, nhiều lần bà L. gửi đơn đề nghị cấp lại sổ, thế nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nay bà L. đã 74 tuổi, không biết còn phải chờ đến bao giờ nữa. Hết cách, vừa qua bà L. đành phải nộp đơn khởi kiện VPĐKĐĐ TP.HCM ra TAND TP.HCM, để yêu cầu giải quyết xin cấp lại sổ đỏ do bà làm chủ sở hữu. Hiện tòa đã ra thông báo thụ lý vụ án.

Phải cấp lại sổ cho người dân

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) phân tích theo điểm k, khoản 1 điều 99 luật Đất đai, nhà nước cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại GCN bị mất.

Tại điều 77 Nghị định 43/2014 quy định việc cấp lại GCN, do bị mất thì sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất GCN tại trụ sở UBND cấp xã đối với trường hợp của cá nhân, người bị mất GCN nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại.

VPĐKĐĐ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điều 37 của nghị định này, ký quyết định hủy GCN bị mất. Đồng thời, VPĐKĐĐ ký cấp lại GCN.

Bà L. đã mất GCN; còn nguyên nhân mất, hiện cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa có căn cứ để xác định người đã đánh tráo. "Việc cấp lại GCN cho bà L. theo điều 77 Nghị định 43/2014 là hoàn toàn có căn cứ. Trước khi cấp lại, cơ quan cấp GCN phải làm các thủ tục, trong đó phải thông báo GCN đã cấp trước đây không còn giá trị", LS Hoan nhấn mạnh.

Theo LS Hoan, ngay cả khi cơ quan điều tra xác định được người đã đánh tráo mà người này không còn bản chính GCN, thì việc xử lý hình sự (nếu có) cũng chỉ là xác định nguyên nhân mất sổ. Vì thế cơ quan có thẩm quyền cũng phải cấp lại GCN cho bà L.

"Bà L. mất GCN thì cơ quan có thẩm quyền phải cấp lại cho bà mà không cần phải xem xét đến nguyên nhân mất. Việc các cơ quan có thẩm quyền để vụ việc kéo dài suốt 4 năm trời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của công dân", LS Hoan bày tỏ quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.