Khảo sát đời sống, tiền lương người lao động 2023:

Đa số người lao động lương không đủ sống

Thu Hằng
Thu Hằng
09/08/2023 04:17 GMT+7

75% số người lao động được phỏng vấn, khảo sát khẳng định thu nhập không đủ để đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu. Không ít người phải thường xuyên vay nợ, bị khủng bố, đe dọa và sống trong tâm trạng bất an.

Đây là kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động (NLĐ) năm 2023, được Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN công bố ngày 8.8.

Đa số người lao động lương không đủ sống - Ảnh 1.

Doanh nghiệp hiện đang khó khăn dẫn đến đời sống, thu nhập của người lao động khó khăn theo

Nhật Thịnh

Mọi thứ đều tăng giá, chỉ lương không tăng

Cuộc khảo sát do Ban Chính sách pháp luật và Viện Công nhân công đoàn phối hợp thực hiện trong tháng 4.2023 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, TP.HCM, Bình Dương, An Giang. Kết quả khảo sát lấy ý kiến của trên 3.000 công nhân tại 157 doanh nghiệp (DN). Ngoài ra có sự tham gia của 174 công đoàn cơ sở.

Theo TS Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, kết quả cho thấy tiền lương cơ bản hằng tháng của NLĐ nhận được trung bình là khoảng 6 triệu đồng/tháng (không bao gồm tiền làm thêm giờ). Mức lương cơ bản này cao hơn tiền lương tối thiểu (LTT) từ 37,5% đến 51,9% (tùy theo từng vùng) và còn 3,5% NLĐ nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức LTT vùng.

Lao đao trong vòng xoáy xăng tăng giá, nữ shipper chật vật nuôi con

Về thu nhập, thu nhập trung bình của các lao động được khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng của họ, 23,3% khác đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của DN.

"Năm nay, NLĐ gặp khó khăn hơn so với các năm trước, bởi DN cũng gặp khó khăn hơn nên không có đơn hàng, ảnh hưởng đến việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, dẫn đến đời sống của NLĐ khó khăn theo. Hơn nữa, năm nay nhiều mặt hàng đều tăng, từ giá cả sinh hoạt, điện tăng, nước cũng tăng, chi phí lương thực tăng, lạm phát, CPI đều tăng... trong khi lương không tăng thì cuộc sống của NLĐ cực kỳ khó khăn", bà Lan cho hay.

Đa số người lao động lương không đủ sống - Ảnh 2.

Công nhân khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) tan ca

NHẬT THỊNH

So sánh mức chi tiêu và thu nhập của NLĐ, Phó viện trưởng Viện Công nhân công đoàn cho biết: "Qua khảo sát, rất đông NLĐ tiền lương, thu nhập không đảm bảo chi tiêu tối thiểu, sinh hoạt. Chỉ có 24,5% NLĐ cho hay, tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; 75,5% NLĐ trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ. Thậm chí, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu".

Thực tế lương cơ bản của công nhân rất thấp. Nếu tiền lương được tăng lên hỗ trợ cho công nhân, chúng tôi vô cùng cảm ơn. Chúng tôi biết doanh nghiệp đang khó khăn, chúng tôi cũng không đòi hỏi phải tăng cao, được tăng bao nhiêu cũng quý, cũng mừng.

Anh Nguyễn Duy Phương, công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam, KCN Thăng Long (Hà Nội)

Theo bà Lan, kết quả cũng cho thấy chỉ có 8,1% NLĐ có dư dật tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại DN họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Đáng chú ý, có 17,3% lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.

Bà Lan chia sẻ: "Chúng tôi rất buồn khi nghe NLĐ nói thu nhập không đảm bảo chi tiêu tối thiểu. Không ít người mong muốn được làm thêm giờ. Không có việc làm thêm, nhiều người còn muốn tìm kiếm một công việc bên ngoài để gia tăng thu nhập. Chi phí lương thực, thực phẩm đã tăng lên, nếu lương không tăng, cuộc sống của công nhân lao động sẽ gặp khó khăn. Qua khảo sát, mong muốn của NLĐ lương tối thiểu tăng ít nhất 6 - 8%".

Chỉ 26,2% người lao động có điều kiện ăn thịt, cá hằng ngày

Tăng lương bao nhiêu cũng quý, cũng mừng

5 năm từ Phú Thọ lên Hà Nội làm công nhân, anh Nguyễn Duy Phương, công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam, KCN Thăng Long (Hà Nội), không nghĩ có ngày việc làm, thu nhập của công nhân bị sụt giảm như vậy.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, đơn hàng của công ty liên tục giảm, công nhân ít việc thay nhau làm luân phiên, nhiều người được vận động viết đơn tự nguyện nghỉ việc. Anh Phương may mắn vẫn còn duy trì được việc làm. Anh chia sẻ: "Tiền lương cơ bản của tôi chưa đến 5,7 triệu đồng/tháng, có việc làm thêm cũng kiếm được 10 triệu đồng/tháng. Đợt này không có việc làm thêm, khó khăn quá, vợ chồng tôi đành gửi con về quê nhờ ông bà chăm giúp. Nếu ở lại, chi tiêu sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền sữa, tiền gửi con đi học, tiền ăn uống tằn tiện cũng chẳng còn đồng nào tích lũy".

Đa số người lao động lương không đủ sống - Ảnh 4.

Thiếu việc làm, công nhân tại KCN Thăng Long (Hà Nội) sống chật vật trong khu nhà trọ

N.Sơn

Chị Nguyễn Thị Lý, công nhân một công ty liên doanh của Nhật Bản, đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, H.Đông Anh (Hà Nội), cho biết điều kiện sống của đa phần công nhân là tạm bợ, lo có việc làm đã đủ mệt rồi, không có thời gian nghĩ đến vui chơi giải trí, đi đây đi đó. "Giá thuê nhà trọ hiện nay hơn 1,7 triệu đồng/tháng, tính cả tiền điện, tiền nước nữa là 3 triệu đồng. Lương trước đó của tôi trên 10 triệu, giờ chỉ còn 7 - 8 triệu đồng, so với chi tiêu hằng ngày tiền ăn uống, tiền điện, nước, tiền học hành của con cái… là không thể đủ", chị Lý nói.

Nghe tin Tổng LĐLĐ VN đang kiến nghị tăng LTT vùng năm 2024, hầu hết NLĐ đều vui mừng phấn khởi. Anh Nguyễn Duy Phương bày tỏ: "Thực tế lương cơ bản của công nhân rất thấp. Nếu tiền lương được tăng lên hỗ trợ cho công nhân, chúng tôi vô cùng cảm ơn. Chúng tôi biết DN đang khó khăn, chúng tôi cũng không đòi hỏi phải tăng cao, được tăng bao nhiêu cũng quý, cũng mừng".

Theo ông Nguyễn Thái Dương, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may VN, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm hơn 20%, tương đương gần 4 tỉ USD. Mỗi tỉ USD xuất khẩu giải quyết việc làm cho 150.000 NLĐ trong ngành. Với sự sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu dẫn đến giảm hơn 600.000 lao động.

"Với ngành dệt may, giai đoạn này hết sức khó khăn, những năm đại dịch Covid-19 cũng không khó như bây giờ. Ngoài giảm kim ngạch xuất khẩu, còn là sự dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác. Cán bộ công đoàn luôn mong muốn NLĐ có việc làm, tăng thu nhập, song trên thực tế tiền lương giảm sút, số lao động nghỉ luân phiên, giảm thu nhập ngày càng tăng lên. Tình hình này có thể còn kéo dài đến năm 2024", ông Dương nói.

Theo ông Dương, DN hiện đang khó khăn dẫn đến đời sống, thu nhập NLĐ khó khăn. Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ VN phản ánh tương đối đầy đủ thực trạng đời sống của NLĐ hiện nay. Việc điều chỉnh LTT nên cân nhắc, so sánh yếu tố tác động việc điều chỉnh lương, tránh tác động tiêu cực với NLĐ, đặc biệt là các yếu tố về tâm lý. "Việc điều chỉnh lương cơ sở gần đây đã khiến cho giá cả thị trường tăng theo. Lương danh nghĩa của NLĐ tăng, nhưng lương thực tế giảm đi bởi giá cả tăng, dẫn đến đời sống NLĐ giảm đi. Tôi nhất trí nên cân nhắc mức tăng để đảm bảo bù đủ trượt giá theo kế hoạch Quốc hội đề ra. Không tăng không được, việc tăng đối với đối tượng NLĐ không đảm bảo mức LTT vùng thì sẽ được hưởng lợi. Để đảm bảo quyền lợi cho những người hưởng lương thấp và lợi ích lâu dài của tất cả NLĐ, chúng tôi đề nghị có mức tăng hợp lý với cả DN và NLĐ", ông Dương kiến nghị.

Ông Lê Ngọc Minh, Phó chủ tịch Công đoàn ngành giao thông, chia sẻ: "Thu nhập trung bình của NLĐ hiện nay khoảng 9 triệu đồng/tháng, tính tổng thu nhập của 2 vợ chồng là 18 triệu đồng, phải chi tiêu rất nhiều khoản từ thuê nhà, tiền học, giá cả tăng, điện nước sinh hoạt tăng... Đề xuất của công đoàn giao thông là vẫn phải tăng LTT cho NLĐ, còn tăng như thế nào thì các chuyên gia tính toán thêm".

Cần thảo luận kỹ lưỡng thời điểm tăng lương

Từ kết quả khảo sát trên, Tổng LĐLĐ VN khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính cho các DN, từ đó tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho NLĐ. Đồng thời có ngay các giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của NLĐ.

Để đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình, qua khảo sát, các công đoàn cơ sở kiến nghị, mức điều chỉnh tiền LTT vùng năm 2024 cần điều chỉnh tăng 11,34%. Thời điểm điều chỉnh tiền LTT vùng cho NLĐ cần cân nhắc thời điểm phù hợp để giảm thiểu tác động đến NLĐ và DN.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ VN), trước phiên họp thứ nhất của Hội đồng tiền lương quốc gia diễn ra ngày hôm nay (9.8), Tổng LĐLĐ VN chưa ký văn bản gửi phương án đề xuất mức tăng cụ thể gửi hội đồng như các năm trước đây. "Công đoàn đã chuẩn bị tất cả số liệu, trong đó có công bố khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của NLĐ năm 2023; lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ công đoàn… Chúng tôi chưa đưa ra phương án cụ thể, trong bối cảnh hiện nay cần phải đưa ra nhiều phương án. Trong quá trình thương lượng, đàm phán, các thành viên của Tổng LĐLĐ VN sẽ phải thống nhất với nhau để đưa ra phương án cụ thể", ông Quảng thông tin.

Đa số người lao động lương không đủ sống - Ảnh 5.

Trước kiến nghị của phía chủ sử dụng lao động về việc lùi thời điểm tăng LTT vùng 2024, ông Quảng cho hay trong phiên đàm phán lần này, thời điểm điều chỉnh LTT vùng như thế nào cũng là một nội dung các bên phải thảo luận. Theo Nghị định 38 quy định mức LTT áp dụng từ 1.7.2022 đến hết năm 2023. Trong khi Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương xác định, định kỳ hằng năm xem xét tăng lương. "Hiện nay DN đang khó khăn, ý kiến lùi thời gian tăng lương cũng là yếu tố cần phải thảo luận một cách kỹ lưỡng, tất cả các mặt, vừa đảm bảo quyền lợi của NLĐ, vừa đảm bảo khả năng chi trả của DN để giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn này", ông Quảng nói.

3 lý do cần phải tăng lương tối thiểu

Trước phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia diễn ra hôm nay 9.8, PGS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, cho rằng không nên "hoãn" tăng LTT vùng đầu năm 2024. Theo chuyên gia này, có 3 lý do cần phải tăng LTT. Thứ nhất, giá cả đều đã tăng là một yếu tố rất quan trọng để tiền LTT không thể không tăng. Thứ hai, đời sống công nhân lao động đã tăng lên rồi, không thể duy trì mức cũ. Thứ ba, so sánh tương quan với các nước trong khu vực, một số nước đã tăng rồi, thậm chí tăng cao vẫn đề nghị tăng, như Lào năm nay đã có phương án tăng LTT 8,3%.

Thời điểm này, tiền lương của NLĐ rất thấp, theo kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ VN, 75% NLĐ làm ra bao nhiêu tiền là tiêu hết bấy nhiêu, không có tiền tích lũy. Càng khó khăn lại càng phải quan tâm đến NLĐ. Thực tế Chính phủ trước đây đã "hoãn" tăng lương rồi, nếu không tăng lương, NLĐ sống rất khó khăn. Do đó, trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn thì tăng LTT ở mức 6% là vừa phải. "Khi đề nghị tăng LTT, với bên không muốn tăng thì 1% cũng là quá cao. Còn phía muốn tăng thì được 10% vẫn cho là quá thấp. Căn cứ vào lợi ích của DN và NLĐ, cả hai đều phải dung hòa. Phương án lựa chọn phù hợp nhất là tăng ở mức giữa, tức là 6%", ông Thọ nêu quan điểm.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.