Lời kể nhân chứng trải qua hơn 30 phút kinh hoàng trong thang máy bị kẹt

25/03/2016 09:00 GMT+7

Khi bị mắc kẹt trong thang máy, nhiều người thường tỏ ra hoảng loạn, hô hoán khiến không khí trong thang máy trở nên ngột ngạt hơn. Điều này rất dễ gây ra cảm giác mệt mỏi, thậm chí ngất xỉu.

Khi bị mắc kẹt trong thang máy, nhiều người thường tỏ ra hoảng loạn, hô hoán khiến không khí trong thang máy trở nên ngột ngạt hơn. Điều này rất dễ gây ra cảm giác mệt mỏi, thậm chí ngất xỉu.

Lực lượng cứu hộ đưa người đàn ông lớn tuổi bị ngất xỉu trong thang máy ra ngoài - Ảnh: Đức Tiến chụp lại màn hình camera chung cưLực lượng cứu hộ đưa người đàn ông lớn tuổi bị ngất xỉu trong thang máy ra ngoài - Ảnh: Đức Tiến chụp lại màn hình camera chung cư
16 người trong gia đình bị nhốt hơn 30 phút
Chiều 23.3, một vụ kẹt thang máy “nhốt” 16 người trong một gia đình đã xảy ra ở Block D, chung cư 584 Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú, TP.HCM), làm 4 người ngất xỉu. Đa phần các nạn nhân là những người đã lớn tuổi và trước khi ngất họ tỏ ra rất hoang mang khi nhiều lần gọi điện vào số điện thoại khẩn cấp trong thang máy nhưng không ai trả lời.
Chị Thanh cho biết có nhiều người phụ nữ lớn tuổi bị tăng huyết áp, khó thở vì mắc kẹt trong thang máy quá lâu - Ảnh: do cư dân chung cư cung cấp Chị Thanh cho biết có nhiều phụ nữ lớn tuổi bị tăng huyết áp, khó thở vì mắc kẹt trong thang máy quá lâu - Ảnh: do cư dân chung cư cung cấp
Theo lời của chị Nguyễn Thị Hiền Thanh (45 tuổi, giảng viên đại học), một trong những người bị mắc kẹt trong thang máy, thì vào khoảng 17 giờ 20 cùng ngày, chị cùng 15 người khác trong gia đình đi vào thang máy ở sảnh (tầng G) lô D để đi lên tầng 11 (nhà của em trai) thì thang máy bất ngờ gặp sự cố.
“Khi chúng tôi vào thang máy có quẹt thẻ từ đàng hoàng nhưng thang máy lên khoảng 20 – 30 cm thì đứng lại, cửa thang máy đóng chặt không thể thoát ra được. Với lại, cũng không thể nói thang máy quá tải vì nếu như vậy chuông thang máy sẽ báo động quá số kg quy định. Đằng này thang máy vẫn đóng cửa lại để chúng tôi quẹt thẻ bấm lên tầng trên. Còn nếu thang máy bị hư thì trách nhiệm bảo trì thang máy thuộc về ai? Họ thiếu trách nhiệm với chính cư dân của chung cư khiến chúng tôi rất bức xúc”, chị Thanh nói.
Theo những người bị mắc kẹt thì thang máy không đổ chuông báo động quá tải dù trong thang máy có 16 người - Ảnh: Đức Tiến Theo những người bị mắc kẹt thì thang máy không đổ chuông báo động quá tải dù trong thang máy có 16 người - Ảnh: Đức Tiến
Cũng theo chị Thanh khi bị mắc kẹt có rất nhiều người tỏ ra hoảng loạn vì sợ hãi, và chị là người trực tiếp gọi vào nhiều số điện thoại khẩn cấp trong tháng máy nhưng không ai bắt máy.
“Có một anh xưng là nhân viên kỹ thuật bắt máy nhưng anh ta nói không còn làm ở chung cư này. Còn một cô nhân viên trực văn phòng nào đó của chung cư bắt máy thì cô ấy lại đi gọi…bảo vệ. Vì nghĩ bảo vệ chung cư sẽ không mở được thang máy nên tôi gọi cho 113, 115 để cầu cứu. Sau đó, thì lực lượng cứu hộ 114 tới, nếu họ tới chậm chừng 10 phút nữa thì chắc sẽ có người tử vong. Vì những người ngất xỉu trong thang máy là những người đã lớn tuổi và họ không thể chịu đựng được lâu hơn nữa”, chị Thanh kể.
Chị Thanh cũng cho biết thêm, 16 người bị mắc kẹt là những người trong gia đình cùng đến thăm một người thân ở tầng 11 của chung cư thì xảy ra chuyện. “Chúng tôi đi đám cưới và sẵn ghé thăm nhà của em trai tôi ở chung cư này. Ai ngờ lại xảy ra chuyện như vậy. Chúng tôi là những người khách mà còn cảm thấy bức xúc trước xử lý yếu kém của ban quản lý chung cư huống chi những người dân ở đây”, chị Thanh nói.
Làm thế nào để sống sót khi mắc kẹt trong thang máy?
Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát PCCC TP.HCM thì trong tường hợp bị mắc kẹt trong thang máy người dân nên cố giữ bình tĩnh hết mức có thể, rồi sau đó gọi điện ra bên ngoài cầu cứu.
“Khi bị mắc kẹt, nhiều người thường tỏ ra hoảng loạn, rồi cố kéo cửa thang máy, điều này khiến mọi người càng trở nên mệt mỏi hơn khi lượng oxy trong thang máy càng lúc càng giảm dần”, đại tá Nhật nói và cho biết thêm: “Khi bị mắc kẹt, tốt nhất là mọi người nên hết sức bình tĩnh. Khi có người hoảng loạn, kêu khóc thì phải có người nào đó đứng ra khuyên nhủ để tất cả mọi người trong thang máy có chung tâm trạng là bình tĩnh, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng ngất xỉu theo “dây chuyền” vì sợ hãi. Sau đó, mọi người lập tức gọi điện vào số điện thoại khẩn cấp ghi trong thang máy, nếu không gọi được thì lập tức gọi cho 113, 114, 115 để chúng tôi kịp thời đến hiện trường ứng cứu”.
Cũng theo đại tá Nhật, khi thang máy mắc kẹt ở vị trí sát với mặt sàn (như vụ ở Q.Tân Phú) thì công tác cứu hộ sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn. Còn nếu thang máy bị mắc kẹt ở giữa tầng này với tầng kia thì việc cứu hộ sẽ mất nhiều thời gian hơn.
“Khi đó, lực lượng cứu hộ sẽ phải triển khai cầu thang từ phía dưới rồi leo lên trên tiếp cận thang máy và dùng bơm thủy lực mở cửa giải cứu người mắc kẹt. Trong trường hợp này, vì mất nhiều thời gian hơn nên những người mắc kẹt càng phải bình tĩnh chờ đợi lực lượng cứu hộ đến giải cứu”, đại tá Nhật nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.