Người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn: Nửa thế kỷ những linh hồn

09/06/2016 10:04 GMT+7

Đã hơn nửa thế kỷ, người đàn ông vẫn kiên trì ngồi bên giá vẽ tô từng nét đậm nhạt trên những bức tranh trắng đen luôn mang trong mình điều trăn trở “Rồi cái nghề vẽ tranh truyền thần sẽ đi về đâu?”.

Đã gần 80 tuổi, nhưng mái tóc của ông Từ Hoa Lợi vẫn còn đen nhánh, chỉ rất ít sợi bạc. Là người vẽ tranh truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn, ông Lợi luôn mang trong mình nỗi niềm trăn trở cho cái nghề của mình rồi sẽ đi về đâu khi hàng chục năm qua vẫn không có người kế thừa.
VIDEO: Ông già vẽ tranh truyền thần hơn nửa thế kỷ giữa Sài Gòn - Thực hiện: Trương Ánh - Phan Giang
“Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”
Ông Lợi có một con trai hiện giờ là kiến trúc sư, lúc nhỏ ông muốn con trai mình kế thừa nghề vẽ tranh truyền thần nhưng cậu con nghẹn ngào: “Ba ơi, Con xin lỗi ba! Con không đủ kiên nhẫn để ngồi bên giá vẽ 5, 6 tiếng đồng hồ, con sẽ chọn nghề mà con thật sự đam mê”.
Thật đúng cái câu “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề” và ông rất buồn là nghề vẽ tranh truyền thần của ông đã không chọn con ông.
Ông Từ Hoa Lợi, họa sĩ vẽ tranh truyền thần ở quận 10, TP.HCM Phan Giang - Trương Ánh
Lúc còn trẻ, mới tốt nghiệp phổ thông cha mẹ ông cũng muốn ông làm bác sĩ, học được một năm nhưng thấy mình vẫn cháy bỏng với giá vẽ, cọ chì nên ông thẳng thừng đi theo nghề vẽ tranh đến tận bây giờ. Tìm cho mình một người học trò, đặt hết niềm hy vọng vào đó nhưng cậu ta cũng từ bỏ nghề, dẹp tiệm tranh để tìm cái nghề phù hợp hơn.
Quả thật chỉ ai đam mê với nghề mới có thể trụ vững lâu với nó.
Vẽ tranh rất dễ, đưa được cái hồn mới khó
Mái hiên quen thuộc, cứ 8 giờ sáng ông dọn giá vẽ, tá bút được ông tự chế bằng tre, bông và thậm chí là lông chổi, đầu lọc thuốc lá; đúng 5 giờ chiều ông lại dọn về, tháng tháng ngày ngày cứ lặp đi lặp lại như thế.
Nhìn những bức tranh truyền thần trắng đen của ông không những diễn tả dấp dáng, đường nét của khuôn mặt mà còn thể hiện được thần thái, tâm trạng của nhân vật. Cả đôi mắt, cái miệng nhoẻn miệng cười hay nét biểu cảm cũng được ông khắc hoạ rõ nét, mỗi lần vẽ ông đều nhập tâm như thể đưa hồn vào bức tranh, mặc kệ mọi sự việc xung quanh, cho nên tranh của ông mang tâm hồn, tình cảm sâu sắc đến vậy.
Để vẽ một bức tranh có hồn, người họa sĩ phải mất ít nhất 4, 5 tiếng vẽ liên tục Phan Giang - Trương Ánh
Điểm nhấn của bức tranh là đôi mắt Phan Giang - Trương Ánh
Bức tranh truyền thần hai màu đen trắng giản dị, mộc mạc hoà lẫn nét xưa cũ được ông đóng trong khung vô cùng cẩn thận như thể hiện sự trân trọng từng tác phẩm. Ông bảo: “Vẽ tranh thì rất dễ, nhưng có đưa được cái hồn vào bức tranh hay không mới khó”.
Những người khách xa gần tìm đến và nhờ ông chỉ để vẽ mỗi bức tranh qua những tấm hình đã nhoè nát, cũ rách để giữ lại chút gì đó gọi là kỷ niệm. Hơn nửa thế kỷ với nghề nhưng ông chưa bao giờ lỗi hẹn với khách đến lấy tranh dù chỉ một lần. Hàng ngày được cầm bút, cọ vẽ thì ông mới thấy đời vui và đẹp làm sao.
Con đường Điện Biên Phủ xe cộ ồn ào, người dân đông đúc nhưng năm tháng ông vẫn ngồi đó tập trung những bản vẽ của mình.
Góc riêng tư của người họa sĩ già
Căn gác nhỏ ông thuê nằm tận lầu 4, việc đi lên đi xuống khiêng vác đồ nghề đối với ông rất nhẹ nhàng, đôi chân, đôi tay tuy gầy gò nhưng khoẻ và đôi mắt còn rất sắc sảo. Trong phòng ông treo đầy những bức tranh đủ thể loại cả người và vật, nhưng ông thích vẽ con vật hơn, dường như sự sáng tạo trong người ông chưa bao giờ dừng lại.
Tuy đã gần 80 tuổi nhưng ông Lợi vẫn miệt mài với các bức tranh và lấy đó làm thú vui Phan Giang - Trương Ánh
Công việc của ông đã gắn liền với vỉa hè Sài Gòn đã gần 30 năm Phan Giang - Trương Ánh
Cây đàn guitar đặt ở góc khuất trong phòng, được ông vẽ chân dung ba người nhạc sĩ chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, trong đó có cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thời trẻ ông rất thích chơi đàn guitar, nhưng do tai nạn của người vợ khi biểu diễn trên sân khấu nên ông từ bỏ từ đó để giữ chặt kỷ niệm đối với người vợ quá cố của mình.
Vợ của ông là diễn viên xiếc, khi kể lại trong ánh mắt ông đượm buồn nhưng đôi tay vẫn mải miết tô từng nét đậm nhạt trên bức hoạ chân dung.
Tôi tự hỏi liệu Sài Gòn náo nhiệt này có giữ được cái nghề vẽ tranh truyền thần đẫm nước mắt của người hoạ sĩ già này không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.