Trung Quốc khi nào trở thành nền kinh tế số 1 thế giới?

Trung Quốc khi nào trở thành nền kinh tế số 1 thế giới?

Phương Thúy
Phương Thúy
04/04/2024 14:30 GMT+7

Trung Quốc được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ở mức khoảng 5% trong 5 năm tới và ít nhất là 4% cho đến năm 2035.

Mỹ đang là nền kinh tế số 1 thế giới và Trung Quốc ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong hơn 10 năm nữa. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ở mức khoảng 5% trong 5 năm tới và ít nhất là 4% cho đến năm 2035. Đây là kết quả từ báo cáo của một nhóm các học giả từ năm quốc gia là Mỹ, Nga, Canada, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trung Quốc khi nào trở thành nền kinh tế số 1 thế giới?- Ảnh 1.

Đồng nhân dân tệ không ngừng lên giá

REUTERS

Dự báo Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 được đưa ra trên cơ sở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhanh hơn Mỹ, cũng như việc đồng nhân dân tệ không ngừng lên giá và ngày càng được quốc tế hóa, đồng thời có triển vọng tăng giá trong dài hạn so với đồng USD.

Trong năm 2023, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, vượt mục tiêu đề ra là 5%. Năm 2024 nước này cũng đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%, cao hơn so với dự báo từ một số tổ chức quốc tế.

Nhà nghiên cứu John Ross tại Viện nghiên cứu tài chính Chongyang tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2024. Lý do là đầu tư của Trung Quốc hiệu quả hơn nhiều so với Mỹ. Nếu Trung Quốc đầu tư 40% GDP thì tăng trưởng GDP sẽ đạt 5%. Điều này có nghĩa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ gần như vượt Mỹ và Liên minh châu Âu, và Trung Quốc sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu như trong 40 năm qua.

Nhà nghiên cứu Marco Fernandes của Viện nghiên cứu xã hội Tricontinental cho rằng Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn hơn tính theo sức mua bình quân đầu người và rất có thể vượt Mỹ về GDP tính theo đồng USD.

Ông Fernandes nói kinh tế Trung Quốc đối mặt với những thách thức phía trước, nổi bật là việc chuyển từ mô hình dựa nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực bất động sản sang mô hình dựa nhiều hơn vào công nghệ cao. Theo ông, mặc dù một số thách thức trong một số lĩnh vực đã tồn tại trong năm qua, Trung Quốc có nhiều công cụ để ứng phó hơn so với phương Tây.

Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ nỗ lực hiện đại hóa mạng lưới công nghiệp và phát triển các lực lượng sản xuất mới với tốc độ nhanh hơn, nhằm phát triển các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.